Cơ sở Kinh doanh dịch vụ ăn uống là gì ? Kinh doanh ăn uống cần giấy phép gì ? Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống ? Thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống ?
Đây là những câu hỏi thường gặp liên quan đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Chúng tôi sẽ tư vấn giải đáp từng nội dung chi tiết.
I- CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG LÀ GÌ ?
Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 30/2012/TT-BYT quy định:
Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở tổ chức chế biến, cung cấp thức ăn, đồ uống để ăn ngay có địa điểm cố định bao gồm:
- Cơ sở chế biến suất ăn sẵn;
- Căng tin kinh doanh ăn uống;
- Bếp ăn tập thể;
- Bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng;
- Nhà hàng ăn uống;
- Cửa hàng ăn uống;
- Cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín.

II- KINH DOANH ĂN UỐNG CẦN GIẤY PHÉP GÌ ?
Đây là câu hỏi rất nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quan tâm. Bởi vì giấy phép là sự đảm bảo về mặt pháp lý cần thiết. Bên cạnh vấn đề về khách hàng, lợi nhuận thì việc chấp hành sự quản lý của nhà nước là bắt buộc.
Vậy kinh doanh ăn uống cần giấy phép gì ? Tùy từng trường hợp và mô hình kinh doanh.
Nếu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có đăng ký kinh doanh (mô hình công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể ) sẽ cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Nếu kinh doanh dịch vụ ăn uống theo diện cá nhân (không đăng ký kinh doanh). Trường hợp này thủ tục cần làm sẽ là ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy nhiên, cần lưu ý dù thuộc trường hợp nào, khi kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng cần tuân thủ và đáp ứng các điều kiện về hồ sơ nguồn gốc, cơ sở vật chất, dụng cụ, điều kiện về nhân sự theo quy định pháp luật.

III- ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần đáp ứng các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vấn đề này được quy định từ Điều 3 tới Điều 6 Thông tư số 30/2012/TT-BYT.
Tùy từng loại hình kinh doanh mà pháp luật quy định các điều kiện cụ thể khác nhau.
3.1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống ( Đối với cơ sở chế biến suất ăn sẵn )
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến suất ăn sẵn:
Tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Điều 1, 2, 3 và Điều 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT
b) Số lượng suất ăn của cơ sở chế biến suất ăn sẵn trong thực tế:
phải phù hợp với công năng thiết kế dây chuyền chế biến suất ăn sẵn của cơ sở.
c) Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn:
Phải có hợp đồng về nguồn cung cấp theo quy định và còn hạn sử dụng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
Xem thêm: mẫu hợp đồng mua bán thực phẩm
d) Nước đá sử dụng trong ăn uống:
phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước ăn uống số 01:2009/BYT.
đ) Kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thực phẩm:
Có đầy đủ sổ sách ghi chép. Thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu và bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi suất ăn sẵn được chế biến xong.
e) Vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay:
Thiết bị chứa đựng:
Thiết bị chứa đựng suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay phải ngăn cách với môi trường xung quanh, tránh sự xâm nhập của bụi, côn trùng và phù hợp với kích thước thực phẩm được vận chuyển;
Thiết bị vận chuyển:
Thiết bị vận chuyển chuyên dụng, dụng cụ, bao bì chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay phải được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm và dễ làm sạch; phải bảo đảm vệ sinh sạch sẽ trước, trong và sau khi vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay;
Thiết bị kiểm soát:
Đủ thiết bị kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm theo yêu cầu kỹ thuật để bảo quản đối với suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay trong suốt quá trình vận chuyển;
Phải có nội quy quy định về chế độ bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay; duy trì và kiểm soát chế độ bảo quản theo yêu cầu trong suốt quá trình vận chuyển;
Trang thiết bị, dụng cụ vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay không được chứa cùng với hàng hoá độc hại hoặc gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn thực phẩm.
Thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn, thực phẩm ăn ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hay đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển suất ăn sẵn đến khi ăn trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng (ủ nóng, tủ đông lạnh) không quá 2 giờ. Nếu quá thời gian trên phải có biện pháp gia nhiệt, thanh trùng bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi sử dụng để ăn uống.

Legal C tư vấn Kinh doanh ăn uống cần giấy phép gì
3.2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống ( Đối với căng tin kinh doanh ăn uống; bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; nhà hàng ăn uống
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống:
Tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Điều 1, 2, 3 và Điều 4 Thông tư số 15/2012/TT-BYT.
b) Thiết kế, bố trí các khu vực:
Có khu sơ chế nguyên liệu thực phẩm; Khu chế biến nấu nướng; Khu bảo quản thức ăn; Khu ăn uống; Kho nguyên liệu thực phẩm, Kho lưu trữ bảo quản thực phẩm bao gói sẵn riêng biệt; Khu vực rửa tay và nhà vệ sinh cách biệt.
Đối với bếp ăn tập thể sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn sẵn chuyển đến phải bố trí khu vực riêng và phù hợp với số lượng suất ăn phục vụ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nơi chế biến thức ăn phải được thiết kế theo nguyên tắc một chiều
Khu trưng bày, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm vệ sinh; thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm;
Khu vực ăn uống phải thoáng mát, có đủ bàn ghế và thường xuyên phải bảo đảm sạch sẽ;
c ) Trang thiết bị dụng cụ:
Có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã qua chế biến;
Có đủ dụng cụ chia, gắp, chứa đựng thức ăn, dụng cụ ăn uống bảo đảm sạch sẽ, thực hiện chế độ vệ sinh hàng ngày;
Trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn;
Có đủ trang thiết bị phòng chống ruồi, dán, côn trùng và động vật gây bệnh.
Phải có bồn rửa tay, số lượng ít nhất phải có 01 (một) bồn rửa tay cho 50 người ăn; Phải có nhà vệ sinh, số lượng ít nhất phải có 01 (một) nhà vệ sinh cho 25 người ăn.
Có đủ dụng cụ lưu mẫu thức ăn, tủ bảo quản mẫu thức ăn lưu.
Có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải và bảo đảm phải kín, có nắp đậy
d) Nước đá sử dụng trong ăn uống:
Phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về chất lượng nước ăn uống số 01:2009/BYT.
đ ) Chế độ kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn:
Có đủ sổ sách ghi chép;
Thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Bảo đảm chế độ lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong.
e) Xử lý chất thải, rác thải:
Chất thải, rác thải phải được thu dọn, xử lý hàng ngày theo quy định; Nước thải được thu gom trong hệ thống kín, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường.
Legal C tư vấn Kinh doanh ăn uống cần giấy phép gì
3.3. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống ( Đối với cửa hàng ăn uống )
a) Cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ và người trực tiếp chế biến, phục vụ ăn uống tại cửa hàng:
Tuân thủ theo các yêu cầu quy định tại Thông tư số 15/2012/TT-BYT quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Có đủ dụng cụ chế biến, chia, chứa đựng thức ăn và dụng cụ ăn uống bảo đảm vệ sinh; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; vật liệu, bao gói thức ăn phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
b) Thiết kế bố trí các khu vực:
Cơ sở được thiết kế có nơi chế biến thức ăn; Nơi bày bán hàng; Nơi rửa tay cho khách hàng; Nơi chế biến thức ăn, đồ uống; Nơi ăn uống sạch sẽ, cách biệt nguồn ô nhiễm; Khu vực trưng bày thức ăn phải cách biệt giữa thực phẩm sống và thức ăn chín.
c. Tiêu chuẩn nguồn nước:
Nước dùng để nấu nướng thức ăn:
Phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT;
Nước sử dụng để sơ chế nguyên liệu thực phẩm, vệ sinh dụng cụ, cho khách hàng rửa tay:
Phải có đủ số lượng và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT , phải được định kỳ kiểm nghiệm ít nhất 1 lần/năm theo quy định;
Nước đá để pha chế đồ uống:
Phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
d) Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói sẵn:
Phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
đ) Thức ăn ngay, thực phẩm chín:
Phải được trưng bày trên bàn hoặc giá cao cách mặt đất ít nhất 60cm; để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản, che đậy hợp vệ sinh, chống được ruồi, nhặng, bụi bẩn, mưa, nắng và côn trùng, động vật gây hại.
e. Xử lý chất thải, rác thải:
Cơ sở có đủ dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải; dụng cụ chứa đựng chất thải, rác thải phải kín, có nắp đậy và được chuyển đi trong ngày; nước thải được thu gom trong hệ thống không gây ô nhiễm môi trường.
3.4. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống ( Đối với cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín )
a) Điều kiện về địa điểm:
Cơ sở bố trí ở địa điểm cách xa các nguồn ô nhiễm.
Nơi chế biến, nơi bán thức ăn ngay, thực phẩm chín phải sạch sẽ, thoáng mát, tách biệt nhau. Điều này nhắm đảm bảo dễ vệ sinh và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh.
b) Điều kiện nguồn nước:
Nước sử dụng để chế biến thức ăn ngay, thực phẩm chín phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT; Nước để sơ chế nguyên liệu, vệ sinh dụng cụ, rửa tay phải đủ và phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 02:2009/BYT; nước đá sử dụng trong pha chế đồ uống phải được sản xuất từ nguồn nước phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) số 01:2009/BYT.
c) Điều kiện dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản.
Có đủ dụng cụ chế biến, chia, gắp, chứa đựng, bảo quản thức ăn ngay, thực phẩm chín. Dụng cụ phải được rửa sạch, lau khô trước khi sử dụng. Trang bị găng tay sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn ngay, thực phẩm chín. Vật liệu, bao gói thức ăn ngay, thực phẩm chín phải bảo đảm an toàn thực phẩm.
d) Điều kiện về nguyên liệu, phụ gia:
Nguyên liệu dùng để chế biến, thức ăn ngay, thực phẩm chín phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, bảo đảm an toàn theo quy định.
Chỉ sử dụng phụ gia thực phẩm trong danh mục phụ gia thực phẩm được phép sử dụng do Bộ Y tế ban hành.
đ) Điều kiện bảo quản:
Thức ăn ngay, thực phẩm chín phải được để trong tủ kính. Thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được ruồi nhặng, bụi bẩn, côn trùng, động vật gây hại. Thiết bị bảo quản phải cao hơn mặt đất ít nhất 60cm.
e) Điều kiện đối với chủ cơ sở, người trực tiếp kinh doanh:
Phải đảm bảo theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 15/2012/TT-BYT
Phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định.
Phải được khám sức khoẻ được cấp Giấy xác nhận đủ sức khoẻ theo quy định của Bộ Y tế. Việc khám sức khoẻ do các cơ sở y tế từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên thực hiện.
Không được đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình kinh doanh thực phẩm, đã được Bộ Y tế quy định.
Phải mặc trang phục bảo hộ riêng; không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực kinh doanh thực phẩm.
f) Xử lý rác thải, nước thải:
Cơ sở phải có đủ dụng cụ chứa đựng rác thải và được chuyển đi trong ngày. Nước thải được thu gom vào hệ thống cống rãnh công cộng và không được gây ô nhiễm môi trường.
IV- LÀM THỦ TỤC XIN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ ĂN UỐNG.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BYT.
4.1. Lưu ý trước khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống:
Trước khi làm thủ tục, cơ sở cần lưu ý:
Đăng ký kinh doanh theo quy định:
Trước tiên, cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh. Trên thực tế, đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống thường lựa chọn một trong hai hình thức kinh doanh là thành lập công ty hoặc thành lập hộ kinh doanh cá thể. Nhiều trường hợp cũng có thể thành lập chi nhánh công ty hoặc thành lập địa điểm kinh doanh của công ty tại địa chỉ kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nếu lựa chọn thành lập mô hình công ty thì sở kế hoạch đầu tư cấp tỉnh/ thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận ĐKDN. Chi cục An toàn thực phẩm của tỉnh/ thành phố sẽ cấp giấy phép an toàn thực phẩm.
Nếu lựa chọn thành lập hộ kinh doanh cá thể thì UBND quận/ huyện sẽ cấp giấy đăng ký hộ kinh doanh và giấy phép an toàn thực phẩm.
Dù lựa chọn loại hình kinh doanh nào thì cũng cần đăng ký ngành nghề nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động.
Trong trường hợp hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng không đăng ký kinh doanh. Đây là những trường hợp kinh doanh theo hình thức cá nhân, nhỏ lẻ. Trường hợp này thủ tục cần làm là ký cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần chuẩn bị trước các điều kiện để được cấp phép
Cần đảm bảo tất cả các điều kiện tương ứng với từng loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống như đã nêu trên. Sau khi hoàn thiện các điều kiện rồi thì hãy làm hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cần chuẩn bị trước các điều kiện bởi vì việc chuẩn bị này sẽ mất tương đối nhiều thời gian. Những vướng mắc, thiếu sót liên quan đến điều kiện cấp phép cũng chủ yếu liên quan đến điều kiện. Viêc đáp ứng đầy đủ các điều kiện sẽ đảm bảo cho khả năng được thẩm định và cấp phép.
4.2. Hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống:
a) Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo mẫu;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở);
- Bản mô tả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, bao gồm:Bản vẽ sơ đồ mặt bằng của cơ sở;Sơ đồ quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển, bày bán thức ăn, đồ uống; Bản kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ của cơ sở.
- Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống (bản sao có xác nhận của cơ sở).
- Danh sách kết quả khám sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Danh sách kết quả cấy phân tìm vi khuẩn tả, lỵ trực khuẩn và thương hàn của người trực tiếp chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống đối với những vùng có dịch bệnh tiêu chảy đang lưu hành theo công bố của Bộ Y tế.

b) Trình tự thực hiện thủ tục:
Sau khi cơ sở nộp hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ quan nhà nước sẽ tiếp nhận và thực hiện theo trình tự thủ tục như sau:
Thẩm xét hồ sơ:
- Thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ trong 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
- Nếu hồ sơ hợp lệ, chuyển sang bước thẩm định cơ sở.
- Nếu hồ sơ không hợp lệ, thông báo bằng văn bản cho cơ sở.
- Cơ quan nhà nước có thể hủy hồ sơ nếu quá 60 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hồ sơ không hợp lệ mà cơ sở không có phản hồi hay bổ sung.
Thẩm định cơ sở:
Bước thẩm định cơ sở được thực hiện sau khi có kết quả thẩm xét hồ sơ hợp lệ. Việc thẩm định phải được thực hiện trong thời gian 10 ngày làm việc. Nếu ủy quyền thẩm định cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền cấp dưới phải có văn bản ủy quyền;
Đoàn thẩm định cơ sở do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc cơ quan được ủy quyền thẩm định ra quyết định thành lập. Đoàn thẩm định cơ sở gồm từ 3 đến 5 thành viên, trong đó tương ứng phải có ít nhất 1 đến 2 thành viên làm công tác về an toàn thực phẩm. Trưởng đoàn thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định cơ sở.
Đoàn thẩm định sẽ thực hiện:
- Đối chiếu thông tin và thẩm định tính pháp lý của hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận với hồ sơ gốc lưu tại cơ sở theo quy định;
- Thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm tại cơ sở với hồ sơ và theo quy định và lập Biên bản thẩm định theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này.
Cấp Giấy chứng nhận:
Trường hợp cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp phép:
Giấy chứng nhận sẽ được cấp trong trường hợp cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Trường hợp cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện cấp phép:
Đoàn thẩm định sẽ cho thời hạn không quá 15 ngày để cơ sở hoàn thiện, bổ sung. Vấn đề này sẽ được ghi rõ trong biên bản thẩm định.
Khi cơ sở đã hoàn thiện đầy đủ các yêu cầu, điều kiện sẽ có văn bản xác nhận gửi cơ quan thẩm định.
Đoàn thẩm định sẽ tổ chức thẩm định lại. Nếu thẩm định lại đạt yêu cầu, cơ sở sẽ được cấp giấy phép ATTP.
Trường hợp cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định:
Đoàn thẩm định sẽ ra biên bản thẩm định không đạt. Sau đó, sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trực tiếp của địa phương. Cơ quan địa phương sẽ giám sát và yêu cầu cơ sở không được hoạt động cho đến khi được cấp Giấy chứng nhận.
Cơ sở phải nộp lại hồ sơ để được xem xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định pháp luật
Legal C tư vấn Kinh doanh ăn uống cần giấy phép gì – Điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống. Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ. Trân trọng!